Chịu được thống khổ mới có thể mạnh mẽ trưởng thành
Có một câu nói có thể bạn đã từng nghe qua nhiều lần: Đời là bể khổ, tình là dây oan. Từ lúc sinh ra, người ta đã phải đối diện với nỗi khốn khổ trăm bề. Ngay cả tín hiệu chào đời của chúng ta cũng là tiếng khóc. Mà tiếng khóc ấy còn theo mãi chúng ta đến lúc nhắm mắt xuôi tay…
Làm người là khổ
Đôi khi những câu hỏi đơn giản nhất lại khó trả lời nhất. Bạn cứ nghĩ lại mà xem, rốt cuộc vì sao cuộc đời này lại toàn chất chứa khổ đau đến vậy? Khổ vì bệnh tật, đói nghèo, khổ vì tranh đấu ngược xuôi, khổ vì thiên tai, chiến loạn, khổ vì tình, khổ vì lợi, khổ vì đau đớn thể xác, khổ vì phiền não tinh thần…
Nhân sinh như mộng, trăm năm vụt qua khác nào ánh chớp đêm dông? Vậy mà nỗi khổ cứ triền miên như từng lớp sóng bể đông. Làm người thật khó, sống trên đời thực chẳng dễ dàng chi.
Người ta sinh ra chính là để chịu khổ. Nếu con người sống thoải mái, thảnh thơi, cầu gì được nấy, ra ngoài vòng sinh tử, cả đời tựa như một cuộc dạo chơi thì liệu những Phật Thích Ca Mâu Ni, Lão Tử hay Chúa Jesus có xuất hiện trên thế gian này để mà “độ nhân” đi qua bể khổ không?
Chuyện kể rằng, một hôm các môn đồ của Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi lại với nhau để cùng đàm luận xem căn nguyên của tất cả khổ đau cho con người là gì. Có vị nói là vì lòng tham không được thoả mãn, có vị nói là do oán hận, căm thù, một vị khác lại cho rằng người ta khổ nhất vì nhát gan, run sợ, không có giây phút bình yên. Cuối cùng, có một vị còn quả quyết người ta khổ chính vì không được ăn no!
Đức Phật đi qua, nghe được câu chuyện kia, bèn dừng lại giảng pháp cho mấy đồ đệ của mình. Ngài ôn tồn giảng: “Những gì các con nói đều không chỉ rõ được căn nguyên của cái khổ, nó chỉ là biểu hiện bề mặt. Các con đều là vì thói quen đã dưỡng thành trong kiếp trước mà cảm thấy thống khổ”.
“Có người kiếp trước từng là chim bồ câu phóng túng mà chuyển sinh nên thấy tham lam, dục vọng là khổ. Có người là con chim ưng đói chuyển sinh nên thấy đói khát mới thực là khổ. Có người lại là con rắn độc chuyển sinh nên thấy oán giận, căm thù là đau khổ nhất. Có người kiếp trước là con thỏ nhút nhát nên lại cho rằng nỗi khổ lớn nhất là sợ hãi”.
“Tất cả những điều khổ nhất trên thế gian này đều xuất phát từ thân thể mà ra. Có mang thân người chính là chịu khổ. Muốn thoát khỏi bể khổ thì chỉ có con đường tu luyện mà thôi!”.
Phật gia giảng “Nhân thân nan đắc” (thân người khó được). Một khi hai mắt khép lại, người ta sẽ phải vật lộn trong sáu nẻo luân hồi, tuỳ vào việc đã hành thiện hay hành ác trước đây ra sao mà chịu đầu thai làm ngạ quỷ, súc sinh hay cây cỏ… Trải qua vô số kiếp như vậy, đợi đến khi đắc được thân người thì chính là đằng đẵng vạn năm mỏi mòn.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng rất hình ảnh về việc khó đắc được thân người. Ví như có một con rùa mù sống vô lượng kiếp trong lòng biển, cứ 100 năm mới trồi lên mặt nước một lần. Trên biển lại có một khúc gỗ nổi lênh đênh, trôi dạt theo sóng nước. Trên khúc gỗ ấy có một cái lỗ. Con rùa mù kia muốn chui đầu vào được cái lỗ ấy chính là một việc cực kỳ khó, vạn năm chưa chắc được. Đức Phật cho rằng đắc được thân người trong kiếp này thậm chí còn khó hơn việc ấy.
Vậy cũng nói có được thân người đã là phải trải qua nhiều khổ nạn, chướng ngại, phải vượt qua biết bao sinh tử luân hồi, chuyển thế ức vạn năm. Nhưng đắc thân người rồi chính lại là khởi đầu của những khổ nạn khác. Cõi nhân sinh này vốn là một dòng chảy không hề yên bình. Thói đời đen bạc cứ cuốn chúng ta đi, nhuộm đen tâm hồn thánh khiết và thuần tịnh thuở ban đầu “nhân chi sơ tính bản thiện” của ta.
Người ta vì danh, lợi, tình mà đoạ đày mình trong chiếc “cối xay người” kia của Tạo hoá. Càng thấy cuộc đời mình thống khổ, người ta lại càng muốn cải biến nó, càng không cam chịu. Nhưng đã nỗ lực gian khổ nhiều phen mà lắm khi tất cả vẫn là con số không tròn trĩnh. Vậy là người ta lại phải nếm trải cảm giác thống khổ tột độ. Vòng tròn luẩn quẩn ấy thực sự đã nhấn chìm biết bao kiếp người.
Vì sao không thể lấy khổ làm vui?
Nhìn từ một góc độ khác, nỗi khổ đời người cũng không hẳn chỉ toàn là một màu u ám. Khổ nạn, lắm khi, chính là cơ hội để tu rèn một con người, một nhân cách, là cái đà đưa người ta vượt trội lên.
Người xưa thường giảng câu này: “Sông có khúc, người có lúc“, ý nói đời người ta là có thăng trầm, thịnh suy, phải biết kiên nhẫn chờ thời. Phật gia cũng giảng về luật nhân quả báo ứng. Người ta là sướng trước khổ sau và ngược lại. Đời này khổ đau, phiền não thì kiếp sau sẽ được đền bù, sống một đời hạnh phúc, tiêu dao. Đời này ngập trong nhung lụa, bạc tiền, rất có thể kiếp tới sẽ phải làm kẻ ăn xin nơi đầu đường góc chợ. Mọi thứ, xét ra, đều rất công bằng.
Vả chăng đời người ta chính là kinh qua đắng cay mới hiểu được giá trị ngọt bùi, dầm mình trong khổ não mới càng yêu thêm những giây phút thanh thản hiếm hoi. Nếu không biết mệt mỏi, làm sao thấu được ý nghĩa của sự an nhàn? Nếu chẳng thể nghênh đón gió sương, cát bụi hồng trần thì làm sao biết được giá trị của một bến đỗ bình yên?
Mọi thứ tồn tại trên đời này đều có hai mặt, tốt và xấu mà đôi khi bạn chẳng thể phân biệt rạch ròi. Trên đời vốn không có gì đáng gọi là khổ đau, cũng chưa chắc có gì nên xem là hạnh phúc. Người xưa nói: “Tướng tự tâm sinh“, ý nói hết thảy mọi sự trong đời gặp phải đều là do chính bản thân và suy nghĩ của mình khởi tạo nên. Chỉ cần thay đổi thái độ, chỉ cần lùi lại một bước, bạn sẽ thực sự trông thấy những cảnh tượng tuyệt diệu hơn.
Nếu đã không thể né tránh khổ đau, tại sao ta không thể lấy chính khổ nạn ấy làm vui, làm động lực để đi tiếp trên đường đời gian khó? Nỗi khổ chạm đến đáy cùng thì sẽ là “vật cực tất phản” (đến cực hạn sẽ phản đảo lại tình trạng hiện tại). Nghĩa là khi chịu thống khổ quá ghê gớm rồi, người ta sẽ vì thế mà cũng đắc được những điều phi thường.
Lấy một ví dụ, con sâu bướm nằm trong chiếc kén, ban đầu cảm thấy rất thoải mái vì đó là nơi vừa an toàn, vừa tiện nghi. Theo thời gian, con sâu lớn lên, dần dần phát triển mọc râu, mọc cánh. Chiếc vỏ kén cũng trở nên vô cùng chật chội, lúc này đã trở thành một nhà tù giam hãm con sâu. Nhưng con sâu vẫn phải nằm im trong kén, tiếp tục hoàn thiện cơ thể mình, cảm giác thực sự không dễ chịu, tương tự như xác ướp bị bó băng keo khắp người.
Đến một ngày kia, khi sâu bướm đã đủ lông, đủ cánh, nó cọ mình rất mạnh để phá vỡ vỏ kén kiên cố kia. Từng chút từng chút một, từng ngày từng ngày một, con sâu bướm kiên trì đục lỗ để chui ra, khẳng định cũng là một giai đoạn cực kỳ thống khổ. Nó giãy giụa, muốn phá vỡ lớp vỏ bọc đang niêm phong đôi cánh của mình.
Thành bại là ở chính việc này. Nếu không đủ sức thoát ra, không thể duỗi đôi cánh, con sâu sẽ chết. Bù lại, nếu nó đủ sức vùng vẫy thoát ra khỏi chiếc kén, nó sẽ hoàn toàn trở thành bướm, có thể bay lượn, thoát kiếp sống chật chội mà vút mình lên mấy tầng không.
Lại có một câu chuyện khác về 5 tháng lột xác đau đớn của đại bàng hẳn bạn đã từng nghe. Đại bàng là loài chim săn mồi lớn, tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực. Nhưng đến tuổi 40 những con đại bàng phải đứng trước một thử thách đầy cam go. Mỏ và móng vuốt của chúng đã quá dài, quá yếu, không còn đủ sức giữ chặt con mồi. Bộ lông vũ của chúng cũng nặng nề hơn, khiến việc bay lượn càng khó khăn thêm.
Lúc này để bắt đầu quá trình lột xác đau đớn của mình, đại bàng bay lên một mỏm núi, liên tục mổ vào đá cho đến khi chiếc mỏ rụng đi. Nó chờ một chiếc mỏ mới mọc ra rồi dùng chính chiếc mỏ ấy nhổ đi từng móng vuốt của mình. Khi những móng vuốt mới đủ sắc bén, đại bàng lại tiếp tục nhổ bỏ sạch những sợi lông cũ đi.
Quá trình ấy kéo dài suốt 5 tháng, khẳng định là đầy đau đớn, thống khổ. Nhưng khi lông cánh mới đã mọc, đại bàng cũng hồi sinh chính mình. Nó sẽ tiếp tục bay lượn trong suốt 30 năm nữa để làm bá chủ tầng không. Điều có được từ sự thống khổ quả là phi thường.
Đến loài sâu, loài chim mà còn biết làm thế, huống chi con người vốn đầy đủ năng lực hơn lại không thể lấy khổ làm vui, trưởng thành từ lò lửa, bước qua gian khó mà tôi luyện chính mình? Loài chim phượng hoàng, trước khi chết đi đã tự cho cháy cả tổ và cả thân mình. Ngọn lửa bốc cao ngùn ngụt, thiêu rụi tất cả ra tro. Nhưng chính từ trong đám tro tàn ấy, một con phượng hoàng mới lại sinh ra, như là sự hồi sinh của loài chim lửa.
Bạn có muốn làm một chú chim phượng hoàng như vậy không?