Tản mạn chuyện chữ TÍN và NHÂN CÁCH
“Hi hi nhương nhương đích chúng sinh bách tương
Phân phân nhiễu nhiễu đích hồng trần vãng sự “
Các mối quan hệ giữa đời người ồn ào hỗn loạn, thì chuyện cũ xa xưa cũng hỗn loạn rối rắm.
Trí nhớ giống như sóng biển đãi cát, đãi ra một viên sỏi vàng được bao phủ bởi nhiều tầng lớp cát.
—
Trong dòng chảy phù sinh, bao nhiêu người buông lời hứa hẹn rồi lãng quên, để mặc đối phương mòn mỏi đợi chờ?
Bạn có biết vì sao cái áo bà ba của người Nam Bộ xưa, dù ngắn hay dài thì khi đơm nút phải là năm nút?
Bởi vì số 5 tượng trưng cho “ngũ luân” theo Nho giáo đó là năm giềng mối trong quan hệ xã hội giữa người với người. Chính là “vua tôi, thầy trò, cha con, chồng vợ và bạn bè”.
Con số năm cũng là ngũ hành: Kim – mộc – thủy – hỏa – thổ.
Con số năm cũng là ngũ thường tượng trưng cho người quân tử theo đạo Khổng: Nhân – lễ – nghĩa – trí – tín.
Con số năm cũng tượng trưng cho ngũ uẩn: Sắc – thọ – tưởng – hành – thức trong triết lý nhà Phật.
Chữ “Tín” được đặt ở cuối cùng, không phải vì nó ít quan trọng, mà vì đó là bước phát triển cao nhất, hoàn thiện nhất của một nhân cách. Dù già hay trẻ, làm sếp hay là cu-li, giàu hay nghèo… thì việc giữ chữ tín chính là thước đo của một nhân cách đã tiến đến mức cao, gần như hoàn hảo.
Không nói đâu xa, một dân tộc rất gần với chúng ta – Thái Lan, cực kỳ nổi tiếng bởi việc giữ lời. Thà đừng hứa hẹn chuyện chi chứ hứa rồi mà không thực hiện thì từ nay về sau đừng hòng lấy lại niềm tin của họ nữa. Đọc đến đây bạn có giật mình nhận ra, bấy lâu nay mình hay tùy tiện buông lời hứa, nên khi bất đắc dĩ không làm được thì đành thất hứa (?!)
Chúng ta quyết định cái cách mà người khác đối xử với mình. Giá trị của bạn, không được định bằng cách thế giới này nghĩ gì/đánh giá gì về bạn. Mà là cái cách bạn sống và cư xử với người khác như thế nào, dù ở trên đỉnh cao danh vọng hay khi lỡ bước sa cơ thất thế.
Giữ uy tín, đó là một trong những cách tốt nhất để người khác tôn trọng mình.
Thôi ráng mà giữ chữ Tín đi!