Bài học đầu tiên về chữ Ngã
Lời nhắc của anh về vô ngã, quên mình, đường dài… giúp tôi ngộ ra và viết được chút xíu. Và tôi xem đấy cũng là Phật pháp, dù anh ấy là công chức chuyên nghiệp và tủ sách phong phú của anh không có một quyển nào của nhà Phật.
Trước cơ quan của tôi, một căn nhà gọn gàng gần chùa Tịnh Độ ngay trung tâm thị trấn, có anh B. học hành ổn, hết cấp III lại học tiếp và có việc nhà nước ở một chỗ chuyên môn, cả chợ trọng vọng. Tôi thường sang nhà anh khi thì trò chuyện, lúc mượn sách, thân thiết lại ngồi ở bàn khách… làm thơ! Đất chợ, vậy mà vẫn trồng được gốc táo, trái to và nhiều. Khó quên những lần được mời 1/3, 1/4 quá táo hồng xanh ngọt lịm, kỷ niệm.
Anh B có xem qua “tác phẩm” của tôi; cách đàn anh quan tâm, thương. Tôi nhớ anh khuyên đúng một câu: “Em cứ viết tới hoài, đừng xem lại, chừng nào… được, thì thôi!”. Anh còn giải thích: “Xem đi xem lại giống như đi đường dài ngoái cổ mãi, ngán, đi sao nổi!”.
Bây giờ nhớ lại, thấy anh ấy tài. Đúng thiệt, viết một hai chữ còm, tự mãn, vỗ tay tự thưởng và ngắm nghía, không cái gì ra cái gì, không vượt thoát khỏi cái tôi, vòng vèo quanh quẩn. Bài học của anh nôm na đơn giản mà quan yếu, sâu xa. Tôi hiểu, không chỉ viết, làm gì nếu quên chữ ngã, vượt lên chính mình mới mong có chút thành tựu.
Sau này “biết” chút giáo lý Phật đà, thấy ý tứ của anh B đúng kinh điển, vô ngã, cho dù cách diễn đạt của anh đơn sơ, không khái quát đến vậy.
Anh B tài vậy nhưng không hanh thông, tai nạn giao thông chấn thương não nặng, mất trí nhớ phải điều trị rất dài. Đi xa rất lâu về quê, mừng khi anh vẫn nhận ra tôi theo cách của người có bệnh. Tôi không hiểu sao cứ muốn nhắc với anh về bài học cũ với lòng biết ơn. Nhưng thấy không tiện, lại thôi, không biết nói anh có hiểu không?
Lời nhắc của anh về vô ngã, quên mình, đường dài… giúp tôi ngộ ra và viết được chút xíu. Và tôi xem đấy cũng là Phật pháp, dù anh ấy là công chức chuyên nghiệp và tủ sách phong phú của anh không có một quyển nào của nhà Phật.
Viết lại, cho và nhớ Anh.